Cá bảy màu bị stress nguyên nhân và cách chữa trị

Bên cạnh các bệnh thường gặp như nấm, lắc, túm vây, … thì việc cá bảy màu bị stress cũng là một trong những nguyên nhân khiến cá chết dần và người chơi guppy không hề thích điều này. Cá bị stress trông không được hoạt bát, cá bỏ ăn, … nếu cá bị stress trong 1 thời gian dài, cá sẽ yếu dần rồi chết. Ở bài viết này, GUPPY CITY sẽ chia sẻ các kinh nghiệm phát hiện cá bị stress và các cách để hạn chế giúp bạn chăm sóc những chú cá của mình tốt hơn nhé.

Các dấu hiệu cá bị stress

  • Cá thường xuyên núp ở góc bể, trông không hoạt bát. Nếu như cá có biểu hiện tự nhiên không còn hoạt bát, lanh lợi như bình thường thì khả năng cá đang bị stress rồi. 
  • Cá tự nhiên bỏ ăn. 
  • Cá tách khỏi đàn mà không phải đang chuẩn bị đẻ
  • Cá bơi lờ đờ
  • Cá bị túm vây

Nguyên nhân cá bị stress và cách giải quyết

  • Cá mới mua về chưa quen với môi trường bể nuôi mới. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến việc cá bảy màu bị stress. 

Giải pháp: đối với cá mới mua về hoặc cá chuyển sang bể nuôi mới, bạn nên thả cá từ từ để cá làm quen với môi trường nước ở bể nuôi mới và kịp thích nghi với nhiệt độ thay đổi (nếu như có sự chênh lệch nhiệt độ giữa 2 bể nuôi). Không nên thả cá đột ngột (như kiểu thả cá cúng ông công ông táo mà bạn vẫn hay thấy vào các dịp táo quân). Việc thả cá đột ngột vào bể mới không phải là một cách thả cá tốt để đảm bảo những chú cá của bạn khỏe mạnh. Cá bảy màu là loại cá nhỏ nên chúng rất nhạy cảm với các sự thay đổi môi trường đột ngột. Khi mua cá về, bạn nên để cả bọc cá vào trong bể để cho cân bằng dần nhiệt độ giữa 2 bên, rồi mới dần cắt bọc để thả cá vào bể nuôi mới. Mức nước tốt nhất cho cá bảy màu khi mới chuyển đến bể mới thường là khoảng 15 – 20cm, không nên để nước cao quá, tránh cá bị sốc nước và yếu. Đối với cá mới mua về, lọc bạn nên để ở mức nhỏ và để ở góc bể, bể nên có thêm 1 vài cành rong để làm chỗ trú ẩn cho cá. 

  • Quá nhiều hoặc quá ít ánh sáng. Nếu bạn nuôi cá ngoài trời hay ở trong bể nuôi trong nhà với đèn thì ánh sáng cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Ánh sáng quá yếu hay quá nhiều ánh sáng cũng có thể khiến cá bị stress. 

Giải pháp: Đối với bể ngoài trời thì bạn nên để bể nuôi ở chỗ có bóng râm, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu thẳng vào bể. Bởi nếu có quá nhiều ánh sáng có thể khiến cá không có nơi ẩn nấp, dễ khiến cá bị stress. Nên có 1 miếng che nhỏ trên thành bể nuôi hoặc bể nuôi ngoài trời nên có rong, bèo để tạo chỗ trú ẩn cho cá, hạn chế bớt ánh sáng. Đối với bể nuôi trong nhà nếu bạn sử dụng đèn thì thời gian bật đèn 1 ngày nên từ 12 – 16 tiếng. Nếu bể đặt cạnh cửa sổ thì có thể ít hơn. Cá bảy màu và các cây trong bể cần ánh sáng để tìm kiếm thức ăn và phát triển. Nếu không có ánh sáng vài ngày cá có thể stress, bỏ ăn, cây trong bể có thể bị rụng lá hoặc chết.

  • Nước bể nuôi có vấn đề. Nếu bạn đang nuôi cá (bất kể loại cá gì), đặc biệt là các loại cá cảnh nhỏ, trong đó có cá bảy màu thì chất lượng nước của bể nuôi là thứ bạn nên quan tâm nhất. Nếu nước có vấn đề, nhẹ thì cá có thể bị stress nếu bạn phát hiện sớm, còn để lâu thì cá có thể bị chết. 

Giải pháp: Đối với bể nuôi mới chuẩn bị, bạn nên để nước 1 – 2 ngày chạy sủi oxi hoặc lọc vi sinh trước khi thả cá. Đối với nước trong quá trình nuôi, bạn nên thay nước thường xuyên để bể luôn có nước mới vào trong bể để duy trì hệ vi sinh. Cá có nước mới cũng cảm thấy thoải mái hơn và khỏe mạnh hơn. Bể nuôi nên có 1 ít vật liệu lọc, rong hoặc 1 số cây thủy sinh nhỏ để tạo môi trường tự nhiên cho cá. Nếu đột nhiên, bạn thấy cá có dấu hiệu stress, ko phải 1 con mà cả đàn thì bạn nên xử lý bằng cách thay 1 phần nước trong bể, khoảng từ 20 – 25%, có thể thay 1 2 lần trong 1 ngày và quan sát xem cá có linh hoạt trở lại không. Phần lớn trong các trường hợp mà cả đàn cá guppy của bạn có dấu hiệu lạ như bơi lờ đờ, hay trốn góc bể, bỏ ăn, … bạn nên thay 1 phần nước rồi theo dõi đàn cá tiếp để có giải pháp hợp lý. 

  • Cá đánh nhau. Trường hợp này hiếm khi xảy ra, nhưng không phải không có do cá bảy màu là loại cá hiền, ít có mâu thuẫn, xung đột với các loại cá nhỏ hay các cá thể khác trong bầy. 

Giải pháp: Đối với các loại cá nhỏ như cá bảy màu để tránh cho cá bị stress bạn nên thả cá trong bể với mật độ hợp lý. Mật độ hợp lý để bạn tính toán số lượng cá nên thả trong bể nuôi của mình là khoảng 1 lít nước/ 1 con cá. Nếu bể của bạn có thể tích là 15 lít nước thì bạn có thể thả 10 – 15 con cá bảy màu trong bể đó. 

  • Cá mới đẻ bị stress. Khoảng thời gian sau sinh là khoảng thời gian yếu nhất của cá mái. Cá rất dễ bị stress, dẫn đến bỏ ăn rồi bị chết. Một trong những nguyên nhân dẫn đến cá mẹ sau khi đẻ xong hay bị stress thường là cá không được cho ăn uống đầy đủ, cá được cho đẻ ở bể quá chật chột.

Giải pháp: Cá mái trong quá trình mang thai nên được cho ăn đầy đủ và nhiều hơn bình thường 1 chút. Thức ăn tốt nhất cho cá bảy màu mái đẩy đủ chất dinh dưỡng để nuôi cá con trong quá trình mang thai là trùn chỉ hoặc các loại cám ăn liền giàu chất dinh dưỡng. Cá khi sắp sinh nên tách riêng ra 1 bể để cho cá đẻ, bể đó phải đủ rộng để cá không bị stress, trong bể luôn có thức ăn để cá không bị đói, và cũng tránh cá con sinh ra bị cá mẹ ăn. 

  • Tỉ lệ cá đực và cá mái chênh lệch nhiều trong bể nuôi. Tỉ lệ đực mái chênh lệch có thể dẫn đến việc cá bị stress. 

Giải pháp: Khi mua cá bảy màu bạn nên mua cả cá đực và cá mái. Việc có cả cá đực và mái sẽ giúp cho cá hoạt bát hơn và hạn chế stress. Tỉ lệ đực mái có thể là 50/50 hoặc 60/40, tùy vào bạn thích nhiều cá đực để ngắm hơn hay muốn cá sinh sản nhiều thì có thể lấy cá mái nhiều hơn. Nếu bạn muốn thả khoảng 10 con cá bảy màu trong bể thì tỉ lệ hợp lý sẽ là khoảng 6 cá đực và 4 cá mái. 

Thông tin: GUPPY CITY – Shop Cá bảy màu Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *