Nội dung bài viết
Thay nước cho cá bảy màu là một việc không thể thiếu nếu bạn đang nuôi cá. Thay nước không chỉ giúp bể cá sạch hơn, cá khỏe mạnh mà còn giúp cá tránh được các bệnh tật, giúp cây cối trong bể phát triển tốt và làm bể cá của bạn đẹp hơn khi trang trí trong nhà. Đặc biệt là với cá bảy màu, do chúng là loại cá nhỏ nên việc thay nước thường xuyên là điều tối quan trọng.
Thay nước đều đặn
Thay nước cho cá bảy màu thường xuyên là việc rất quan trọng. Cá bảy màu là loại cá nhỏ nên chúng rất nhạy cảm với nước và điều kiện nước của bể nuôi nên được duy trì ổn định để tạo điều kiện cho cá sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Việc thay nước cho cá đều đặn sẽ giúp bể nuôi luôn sạch sẽ, hệ vi sinh được tái tạo, không dư thừa các chất thải, các vi khuẩn không thể phát triển được do luôn có nước mới được thay thường xuyên.
Không thay hết nước trong bể 1 lần
Có lẽ đối với nhiều người mới nuôi cá chưa có kinh nghiệm thì việc thay nước bể cá chỉ đơn thuần là việc bắt hết cá trong bể ra rồi thay hoàn toàn nước trong bể nuôi là tốt nhất cho bể cá. Tuy nhiên đây là một cách thay nước sai và có thể gây cho cá của bạn bị chết do chúng bị thay đổi môi trường sống đột ngột, cá không kịp thích nghi với môi trường nước mới nên hay bị sốc nước rồi yếu dần và chết sau đó vài ngày.
Thay nước nhưng vẫn phải hút đáy bể
Một số người chơi cá có kinh nghiệm vẫn nghĩ là chỉ cần thay nước thường xuyên là nghĩ rằng cá có thể sống khỏe mạnh rồi. Điều này chỉ đúng một phần nếu như đáy bể của bạn ít các chất thải và bể có hệ vi sinh tốt đã xử lý được hết các chất thải của cá dưới đáy bể. Hút đáy bể là hút các chất thải thừa mà vi sinh trong nước không xử lý hết được, các chất thải của cá tích trữ lâu ngày, các loại tảo hay rong rêu mọc trong bể … sẽ giúp bể của bạn sạch hết, loại bớt các mầm mống bệnh tật. Nếu như đáy bể có thừa quá nhiều các chất thải cá sẽ rất dễ bị bệnh vì đây là nơi các vi khuẩn hay mầm mống bệnh sinh sôi.
Cho thêm vi sinh sau mỗi lần thay nước.
Một trong những cách để bể nuôi cá của bạn có 1 hệ vi sinh tốt để xử lý các chất thải trong bể là sau mỗi lần thay nước bạn nên cho thêm vi sinh. Vi sinh ở đây có thể là loại vi sinh quang hợp như PSB hay vi sinh nước EM, … các loại vi sinh này sẽ giúp nước trong bể nuôi ổn định hơn, nước trong hơn và hạn chế được các mầm bệnh trong bể. Vi sinh này sẽ giúp nước của bạn trong hơn, các thức ăn thừa trong bể vi sinh sẽ ăn hộ cá nếu cá của bạn không ăn hết. Các loại vi sinh này dạng nước nên khá dễ sử dụng, bạn chỉ cần đổ thêm theo tỉ lệ trên hướng dẫn thường là 1ml/ 10l nước. Có thể khi mới đổ vào nước sẽ hơi đục 1 chút và sẽ trong lại sau 12 hoặc 24 tiếng.
Lọc vi sinh
Lọc vi sinh là loại lọc tốt nhất cho cá bảy màu cũng như các loại cá cảnh nhỏ. Việc thay nước thường xuyên rất quan trọng thì việc có 1 chiếc lọc vi sinh trong bể cũng quan trọng không kém. Lọc vi sinh sẽ giúp nước của bạn trong hơn, hệ vi sinh ổn định hơn và ít phải thay nước hơn. Lọc vi sinh là nơi làm tổ của vi sinh vật trong bể, từ đó xử lý các chất thải thừa, làm nước ổn định hơn, cá ít mắc bệnh hơn,… và nước trong hơn rất nhiều.
Cạo rêu bám thành bể
Thường sau một thời gian, bể nuôi cá của bạn sẽ lên các rêu, tảo bám trên thành bể. Việc ngắm cá sẽ rất khó chịu nếu như bể không được vệ sinh, cạo rêu định kỳ. Các bạn có thể sử dụng ốc nerita, các loại tép, các loại cá pleco chuyên ăn rêu bám thành bể để hạn chế việc rêu hoặc tảo phát triển. Có 1 cách nữa là sử dụng dao cạo rêu để vệ sinh bể.